CÔNG TY CP MAY BÌNH THUẬN NHÀ BÈ

Binh Thuan - Nha Be Garment Joint Stock Company
Video
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline(0252) 3.871.922
Hỗ trợ trực tuyến 1
Hỗ trợ trực tuyến 2
Gỡ bỏ Thông tư 37 “gỡ khó” cho DN dệt may

20-10-2016

Ngày 12/10/2016 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký QĐ bãi bỏ Thông tư 37 đối với ngành DMVN. Đây là động thái tích cực của Chính phủ kiến tạo lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp sẵn sàng xóa bỏ những định chế bất hợp lý, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển bền vững.


Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường

Thông tư 37 mới có hiệu lực từ tháng 12 năm 2015, tiền thân là thông tư 32 từ năm 2009, trong đó quy định về kiểm tra các chất về fomandehyt ở trên các nguyên liệu xơ, vải, sợi và kể cả chỉ may cho hàng hóa dệt may. Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đánh giá rất cao quan điểm của Bộ Công Thương hiện nay, khi có thắc mắc và kiến nghị của DN thì đã thực hiện quá trình sửa đổi thông tư. Trên cơ sở số liệu khách quan từ DN, cách tiếp cận hết sức vì DN. Không khí đổi mới của Chính phủ kiến tạo được thể hiện rất rõ trong quá trình xử lý cải cách hành chính của Bộ Công Thương chính là bắt đầu bằng Thông tư 37. BCT đã đi đến quyết định hủy bỏ thông tư, không phải là sửa đổi để đưa ra có nội dung điều chỉnh nào đó. Chứng tỏ tiếp cận của cán bộ quản lý nhà nước từ BCT có sự thay đổi nhanh và gắn liền với các lợi ích của DN. Tuy nhiên, theo Ông Lê Tiến Trường, sau khi bãi bỏ Thông tư 37, BCT vẫn cần xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật khác để đạt được và đảm bảo những hàng hóa sử dụng tại VN và cho người VN đạt được các chuẩn mực và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Những tiêu chuẩn kỹ thuật này không thể thiếu được và chắc chắn tới đây sẽ phải có, nhưng quá trình áp dụng nó và quy trình để DN thực hiện xác nhận phù hợp chuẩn cần cân nhắc chính từ quá trình triển khai như thông tư 37 vừa qua, làm sao cho quá trình này tiết kiệm chi phí nhanh gọn và đạt mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng.

Thay mặt những người làm dệt may, Vitas và Vinatex, Ông Lê Tiến Trường gửi lời cảm ơn Bộ Công Thương đã tích cực sửa đổi và đặc biệt hủy bỏ Thông tư 37 đối với ngành dệt may. Ông mong rằng trong thời gian tới, với khí thế đổi mới trong cải cách hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh tốt hơn, ngành công thương nói riêng và nhiều ngành khác như hải quan, thuế nói chung, một số thông tư liên quan đến ngành dệt may phải được sửa đổi theo tinh thần hết sức tích cực, để tạo ra khí thế mới cho các DN đang phải hoạt động trong môi trường cạnh tranh vô cùng gay gắt.

Ông Lê Tiến Trường ví von, từng DN là như cỗ xe chạy trên con đường, người chủ DN, CBCNV của DN có trách nhiệm làm cho cỗ xe đó chạy tốt, chạy an toàn, chạy tốc độ cao và tiết kiệm năng lượng, ngoài ra có chạy được nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào con đường, con đường đó phải trơn tru rộng rãi. Những người điều khiển giao thông trên con đường rất quan trọng, đường rất to, chạy được nhanh, nhưng thường xuyên có người yêu cầu phải đứng lại thì tốc độ chung cũng không thể cao. Vì thế một mình doanh nghiệp không thể tạo ra được năng lực cạnh tranh của cả quốc gia. DN cùng với hệ thống thể chế chính sách, hiểu một cách đơn giản, các đại lộ, cao tốc và người vận hành đại lộ, người điều khiển giao thông trên các đại lộ, chính là các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu các thành tố này phối hợp với nhau nhịp nhàng, đảm bảo các yêu cầu của pháp luật, đồng thời cộng hưởng tạo nên cạnh tranh chung của cả quốc gia thì mới tạo được tốc độ tăng trưởng tốt và khai thác hết được những yếu tố cạnh tranh vi mô của từng DN VN đang có.


Phạm Sỹ