26-08-2015
Sau 20 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) hiện có hơn 60 công ty thành viên, sở hữu nhiều thương hiệu nội địa nổi tiếng với hơn 4.000 cửa hàng trải dọc 3 miền của đất nước. Rất nhiều thương hiệu đã trở nên quen thuộc đối với người tiêu dùng như Viettien, Sansciaro, Manhattan của Việt Tiến; De Celso, Mattana, Novelty của Nhà Bè; M10 Series, Eternity Grusz của May10; S.Pearl, HeraDG của Đức Giang; Merriman của Hòa Thọ; khăn Mollis của Phong Phú; Hanosimex, Dopimex,…
Nhiều năm liên tục Vinatex đã được vinh danh là đơn vị tiêu biểu thực hiện tốt “Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Vấn nạn hàng giả hàng nhái vẫn hành hoành
Trong quá trình phát triển các thương hiệu nội địa, Tập đoàn Dệt May Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó phải kể đến vấn nạn hàng giả, hàng nhái, các thương hiệu nổi tiếng thế giới, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu đang tràn lan trên thị trường làm ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của các doanh nghiệp trong nước và việc bị làm nhái, làm giả các thương hiệu nội địa nổi tiếng của các đơn vị thành viên của Tập đoàn đã làm xấu đi hình ảnh của thương hiệu hàng Việt. Điều này đặt các doanh nghiệp vào thế khó phát triển sản xuất kinh doanh, khó cạnh tranh và khó bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của chính mình.
Tình trạng làm nhái các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài như Zara, Mango, H&M,… đang rất phổ biến do nhu cầu sính ngoại của người tiêu dùng và giá cả rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nội địa. Trong khi đó, ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu và các ngành phụ trợ cho ngành dệt may trong nước chưa phát triển mạnh, đa số nhập khẩu từ nước ngoài, phải đóng thuế nhập khẩu dẫn đến giá thành cao, khó cạnh tranh với các mặt hàng may mặc Trung Quốc nhập lậu với giá thành rất rẻ. Ngoài ra, do sức lan tỏa mạnh mẽ của các thương hiệu Việt trên thị trường nội địa nên nhiều cửa hàng bán quần áo may sẵn không phải cửa hàng, đại lý chính hãng của các công ty đã lợi dụng thương hiệu, hoạt động kinh doanh không lành mạnh bằng cách bán các sản phẩm là hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng dưới hình thức treo biển quảng cáo không rõ ràng như “Sơ mi Việt Tiến” “Cửa hàng May10”,… với mục đích làm cho khách hàng nhầm lẫn cửa hàng là đại lý của Việt Tiến, May10.
Luôn thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng Việt
Để xây dựng thương hiệu đã khó, nhưng bảo vệ và phát triển thương hiệu lại càng khó hơn. Với định hướng phát triển thị trường nội địa theo phương thức OBM (original brand manufacturing) nhằm cung cấp sản phẩm may mặc chất lượng cao với giá thành phải chăng cho người tiêu dùng Việt Nam, các thương hiệu nội địa đã chiếm lĩnh được niềm tin của khách hàng, tổng doanh thu nội địa của toàn Tập đoàn đạt trên 6.000 tỷ đồng trong năm 2014.
Để đạt được kết quả này, Tập đoàn Dệt May Việt Nam cùng các đơn vị thành viên đã không ngừng nỗ lực trong việc phát triển thị trường, thấu hiểu nhu cầu của khách hàng, cập nhật các công nghệ, thiết bị tiên tiến, nâng cao tay nghề và trau dồi ý thức cho người lao động để từ đó đưa ra được những sản phẩm tốt, chất lượng cao, mẫu mã phong phú cung cấp cho người tiêu dùng Việt.
Với thế mạnh sở hữu chuỗi cung ứng khép kín từ bông, xơ, sợi, vải, quần áo đến thương mại dịch vụ, Tập đoàn Dệt May Việt Nam tự hào là Tập đoàn Dệt May có quy mô lớn nhất và sức cạnh tranh mạnh nhất, là đơn vị nòng cốt, định hướng cho sự phát triển của Ngành Dệt May của Việt Nam.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã có kế hoạch xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu và tổ chức thực hiện quyết liệt, xuyên suốt:
Thứ nhất, các doanh nghiệp ý thức về sự cần thiết tự bảo vệ mình trước, trong đó việc đăng ký bảo vệ thương hiệu là một trong những biện pháp chống hàng giả hữu hiệu, được Tập đoàn chú trọng quan tâm, để khi xảy ra vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp sẽ có đủ cơ sở pháp lý để bảo hộ quyền của mình.
Thứ hai, Tập đoàn tổ chức các triển lãm, hội chợ nhằm kết nối người tiêu dùng với các thương hiệu trong nước, đưa thương hiệu Việt đến gần hơn với khách hàng, cũng như tổ chức, tài trợ các tuần lễ thời trang, các chương trình thiết kế thời trang nhằm khuyến khích các nhà thiết kế trên cả nước phát triển, đem đến cho người tiêu dùng các mẫu thời trang mới, chất lượng tốt, tính ứng dụng cao… góp phần nâng cao sức cạnh tranh hàng dệt may Việt Nam trên thị trường.
Thứ ba, các doanh nghiệp trong Tập đoàn đã đầu tư vào máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại để tạo ra những sản phẩm có sự khác biệt cao, chất lượng vượt trội, có những đặc điểm nhận dạng riêng biệt trên sản phẩm để khách hàng dễ nhận biết khi mua hàng như tem chống hàng giả vào thẻ bài, sợi chống hàng giả vào nhãn dệt chính của sản phẩm,phổ biến tới người tiêu dùng cách nhận biết sản phẩm, cũng như danh sách các cửa hàng, đại lý chính hàng tại các cửa hàng, đại lý chính hãng và trên website của doanh nghiệp. Đây là một trong những biện pháp có hiệu quả để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và gìn giữ hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp.
Thứ tư, các doanh nghiệp chủ độngthường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra, kiểm soát các cửa hàng, đại lý cũng như phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, công an, … nhằm phát hiện, xử lý và ngăn chặn các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ trong hệ thống tiêu thụ của mình cũng như các cửa hàng làm giả thương hiệu của mình nhằm phục vụ cho việc đấu tranh với hàng giả, hàng nhái. Rất khó có thể bắt người tiêu dùng tự phân biệt được hàng chính hãng mà cần phải có sự vào cuộc từ nhiều phía, trong đó trách nhiệm chính phải đến từ doanh nghiệp.
Cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan công quyền
Nhờ những giải pháp trên mà các thương hiệu đã bước đầu chủ động kiểm soát được thị trường, kịp thời giải quyết triệt để các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ được uy tín của thương hiệu cũng như bảo vệ quyền lợi của khách hàng và các đối tác đại lý. Tuy nhiên, Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng xin được kiến nghị đến Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục quản lý thị trường và các cơ quan thực thi pháp luật.
Một là: Cần tăng cường công tác kiểm tra hơn nữa, phản ứng nhanh khi tiếp nhận đơn yêu cầu xử lý vi phạm của doanh nghiệp và áp dụng khung hình phạt nghiêm minh hơn nữa các trường hợp làm giả, làm nhái và vi phạm bản quyền các thương hiệu đã được bảo hộ.
Hai là: Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng cần phối hợpthường xuyênvới các doanh nghiệp trong việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về các thương hiệu đã được bảo hộ, cách nhận biết hàng giả, hàng thật nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ba là: Cần có cơ chế giảm thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu cho ngành dệt may cũng như cho phép ghi nhận chi phí bảo vệ thương hiệu trong giá thành sản phẩm để các thương hiệu trong nước có khả năng cạnh tranh tốt hơn với các thương hiệu may mặc nước ngoài đang ngày càng phát triển nhanh và mạnh tại Việt Nam.