26-08-2015
Hiệu ứng của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm cho ý thức sản xuất, sử dụng sản phẩm của nhau ở các doanh nghiệp dệt may thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) có sự chuyển biến tích cực.
Sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động, kết quả doanh thu nội địa năm 2011 của Vinatex đạt 18.518 tỷ đồng, năm 2012 đạt 19.700 tỷ đồng, tăng 6,4% so với 2011, năm 2013 đạt 20.800 tỷ đồng, tăng 6% so với 2012. Đáng chú ý năm 2014, doanh thu nội địa của Vinatex đạt hơn 22.000 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2013.
Hỗ trợ nhau cùng sử dụng hàng Việt
Nhằm nâng cao Thỏa thuận hợp tác ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau giữa các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương, Vinatex đã đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nội địa, các đơn vị trong Tập đoàn đã chú trọng đến mẫu mã, thương hiệu, giá cả để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đơn vị đã chủ động liên kết, hợp tác cung cấp sản phẩm đồng phục và bảo hộ lao động cho 6 tập đoàn, tổng công ty lớn như: Dầu khí, Xăng Dầu, Điện lực, Hóa chất, Giấy, Hàng không.
Từ năm 2010 - 2014, các đơn vị như Tổng Công ty Đức Giang-CTCP, Tổng Công ty May 10-CTCP, Tổng Công ty May Nhà Bè-CTCP, Tổng Công ty May Việt Tiến... đã thực hiện cung ứng sản phẩm theo Thỏa thuận với số lượng lớn trị giá nhiều tỷ đồng. Đồng thời, Vinatex và các đơn vị thành viên như Công ty Kinh doanh hàng thời trang Việt Nam - Vinatex Mart, Tổng công ty May 10 với hệ thống M10 mart… còn chủ động ký kết hợp đồng mua và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương và Đảng bộ Khối như Tổng Công ty Bia - rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Tổng Công ty Dầu thực vật Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam… với tổng giá trị lên tới hơn 57 tỷ đồng.
Trong các hội nghị do Vinatex tổ chức, đơn vị đã chủ động phối hợp lồng ghép, kêu gọi các đơn vị làm pano, bảng ảnh,… quảng cáo sản phẩm của các doanh nghiệp để kêu gọi các doanh nghiệp trong Tập đoàn dùng chéo sản phẩm của nhau. Tuyên truyền nội bộ khi thực hiện đầu tư, mua sắm vật tư, nguyên liệu trong sản xuất, kinh doanh, phương tiện làm việc có ý thức sử dụng hàng hóa Việt Nam, các sản phẩm, dịch vụ giữa các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối.
Thỏa thuận hợp tác Khung số 01/TTK-TĐ DMVN ngày 9/01/2014 cũng đã được ký kết giữa các đơn vị thành viên của Viantex là các công ty may lớn trọng hệ thống Vinatex về tiêu thụ số lượng sản phẩm cho các nhà máy như Dự án Vải Yarndyed Đông Phương, Dự án Vải Yarndyed Nam Định, Dự án Vải Soliddyed Vinafa…
Chú trọng phát triển thị trường nội địa
Trong những năm qua, các thành viên của Vinatex đã tích cực tham gia chương trình bình ổn thị trường bằng các hoạt động như tổ chức phiên chợ tết, bán hàng trợ giá cho công nhân lao động, phối hợp với hệ thống siêu thị Vinatex Mart tổ chức bán hàng giảm giá phục vụ cho công nhân lao động trong ngành. Cuộc vận động cũng đánh dấu thành công của chiến lược phát triển thương hiệu ở các đơn vị trong Vinatex, khẳng định được vị thế, khả năng cạnh tranh với các nhãn hiệu hàng hoá nước ngoài trên thị trường Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số cửa hàng, đại lý trên toàn quốc của các đơn vị thành viên Vinatex đạt 4.286 cửa hàng, đại lý và tăng trung bình 5%/năm. Nhiều thương hiệu Việt nổi tiếng như: Hòa Thọ, Việt Thắng, Hanosimex, Việt Tiến, Nhà Bè, May 10... được người tiêu dùng ưa chuộng.
Nhằm kết nối người tiêu dùng - nhà bán lẻ với các thương hiệu - nhà cung ứng dệt may trong nước, Vinatex đã thường niên tổ chức 2 hội chợ thời trang Việt Nam VIFF/năm tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội có quy mô mỗi hội chợ trên 300 gian hàng tiêu chuẩn với hơn 200 doanh nghiệp tham gia.
Bên cạnh đó, Vinatex còn tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến, trong đó nổi bật có Hội thảo chuyên đề “Hệ thống hàng đầu sản xuất các loại vải và quần áo đồng phục - bảo hộ lao động cho thị trường trong nước và xuất khẩu” nhằm phát triển mặt hàng quan trọng chiếm lĩnh thị trường nội địa, tăng cường sự liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất và thực hiện hiệu quả Cuộc vận động.
Ngoài ra, Vinatex còn phối hợp với đơn vị thành viên, thường xuyên tổ chức, tài trợ các tuần lễ thời trang, các chương trình thiết kế thời trang nhằm khuyến khích các nhà thiết kế trên cả nước phát triển, đem đến cho người tiêu dùng các mẫu thời trang mới, chất lượng tốt, tính ứng dụng cao… góp phần nâng cao sức cạnh tranh hàng dệt may Việt Nam trên thị trường. Tiếp đó đơn vị còn chủ động liên kết với các website hỗ trợ xúc tiến phát triển thị trường nội địa như liên kết với website www.tuhaohangvietnam.vn của Bộ Công Thương trong quảng bá thông tin sản phẩm và với website www.bsa.org.vn của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA,... để tuyên truyền về Cuộc vận động và đưa hàng Việt về nông thôn.