06-08-2015
Ngày 3/8/2015, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) gặp gỡ báo giới chia sẻ thông tin và quan điểm của mình về lộ trình tăng lương tối thiểu vùng. Là đại diện cho các DN ngành Dệt May Việt Nam (DMVN), Vitas tỏ ra quan ngại trước lộ trình tăng lương tối thiểu vùng khá dày hiện nay.
Việc tăng lương tối thiểu vùng hàng năm đi đôi với việc tăng tỷ lệ các khoản đóng bảo hiểm (BHXH từ 2010 đến 2014 cứ hai năm tăng thêm 1%) đã ảnh hưởng rất lớn đến DN. Thực tế hiện nay DN phải trích nộp 24%, người lao động phải đóng 10,5% và 1% đoàn phí nếu là đoàn viên công đoàn.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký VITAS thì không nên tăng lương tối thiểu vùng 2016 ở mức 14% như dự kiến. Thay vào đó, VITAS kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng ở mức 6%. Căn cứ đưa ra đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng là 6% dựa vào chỉ số CPI dự kiến năm 2015 là 3%, mức tăng năng suất lao động của Việt Nam đạt từ 3,3-3,5%.
Ông Trương Văn Cẩm - TTK Vitas chia sẻ quan điểm của Vitas về mức TLTT vùng: Chúng tôi ủng hộ việc tăng lương, đứng trên quan điểm tăng thu nhập của người lao động, tuy nhiên, Nhà nước cần nghiên cứu, tính toán lại để có mức tăng phù hợp nhằm giúp DN có điều kiện tồn tại và phát triển, ông Cẩm nêu ý kiến.
Tăng lương tối thiểu vùng, cũng không đồng nghĩa với việc tất cả NLĐ sẽ được tăng thu nhập do các khoản phí nêu trên cũng tăng theo tỷ lệ. Bên cạnh đó, nếu so sánh với các nước trong khu vực, thì một người lao động đi làm có mức thu nhập bằng nhu cầu sống tối thiểu cộng thêm 0,5 để nuôi thêm một con. Trong khi ở Việt Nam số cộng thêm để nuôi con là 0,7. Cách tính toán như thế này đang gây áp lực cho DN Việt Nam.
Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Vitas còn đưa ra con số đáng lưu ý. Nếu như trước đây, DN DMVN đóng góp tới 80% KNXK dệt may hàng năm, thì nay chỉ còn chiếm 30%, các DN FDI đang giữ 70% KNXK của DMVN. Như vậy, thuận lợi cho dệt may mà ta vất vả đàm phán để ký được các FTA, thậm chí phải hy sinh một số lợi ích khác để giành được ưu thế cho dệt may phát triển, thì những ưu thế này sẽ được tận dụng phần lớn bởi các DN FDI.
Bà Đặng Phương Dung - Phó CT Vitas bày tỏ quan ngại về sức khỏe của lực lượng DN Việt hiện nay
Ngành dệt may đang thu dụng gần 3 triệu lao động và hiện nay DN DMVN đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc tăng tiền lương tối thiểu. Con số thống kê từ ngành thuế cho hay, hiện nay Việt Nam có 483 ngàn DN đang còn hoạt động, trong đó 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ, nhưng có tới 70% DN Việt làm ăn không có lãi. Và khi đã không có lãi thì không có nguồn đầu tư tích lũy, không nâng cao được đời sống NLĐ. Câu hỏi đặt ra là tại sao DN nước ngoài tại Việt Nam cứ lớn dần lên trong khi DN Việt thì thu nhỏ lại? Đơn cử trong Ngành Dệt May, Vinatex là đơn vị đầu tư mạnh nhất mà từ đầu năm tới nay mới chỉ đầu tư hơn 400 triệu USD, trong khi chỉ một DN FDI thực hiện một dự án của họ ở Đồng Nai đã có mức đầu tư lên tới 660 triệu USD. Nếu như gánh nặng tăng lương tối thiểu tiếp tục đè lên vai DNVN, thì DN Việt sẽ chẳng trụ nổi bao lâu nữa.
Việc tăng lương tối thiểu với mục tiêu nâng cao đời sống cho NLĐ là đúng, nhưng Nhà nước cần có cách tính toán cũng như lộ trình hợp lý hơn để thu nhập NLĐ thực tăng mà không làm khó cho DN.