12-06-2015
Sáng 10/6, tại Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập Quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương), báo Công Thương, Văn phòng Bộ Công Thương đã phối hợp đã tổ chức chương trình tọa đàm “Lấy ý kiến về đề án tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế Quốc tế”.
Đây là chương trình tọa đàm đầu tiên trong chuỗi 4 chương trình tọa đàm, sẽ được tổ chức trên toàn quốc, nhằm lấy ý kiến góp ý cho đề án.
Toàn cảnh buổi tọa đàm về nâng cao nhận thức hội nhập kinh tế Quốc tế
Nhiều đồi mới trong Đề án tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế Quốc tế
Phát buổi tại chương trình, ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Tổng thư ký Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhạp Quốc tế về kinh tế, khẳng định: Việt Nam đang tích cực tham gia vào hội nhập Quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế Quốc tế nói riêng. Nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về hội nhập kinh tế Quốc tế, đồng thời để việc hội nhập thực sự đi vào cuộc sống; thời gian qua công tác thông tin, tuyên truyền đã được đẩy mạnh, góp phần làm thay đổi nhận thức của các tổ chức, người dân, doanh nghiệp về vấn đề hội nhập rất nhiều so với 5 năm trước, khi Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị “Về hội nhập kinh tế Quốc tế”. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là doanh nghiệp và thậm chí là các cán bộ làm công tác hội nhập; vì nhiều lý do, vẫn chưa nắm rõ thông tin về hội nhập, còn tâm lý e ngại, thậm chí chưa tích cực ủng hộ công tác hội nhập, cũng như các chủ trương, chính sách liên quan của Chính phủ và các bộ, ngành.
Bộ Công Thương nhận thấy rằng cần tăng cường công tác thông tin truyên truyền, nhằm giải thích cho các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, người dân… về hội nhập kinh tế Quốc tế để chúng ta có thể chủ động hội nhập kinh tế Quốc tế. Bộ Công Thương đã xây dựng “Đề án tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế Quốc tế”, với mục tiêu triển khai sâu rộng, với sự tham gia phối hợp của tất cả các bộ, ngành và các cơ quan liên quan, nhằm tạo sự lan toả trong xã hội; quán triệt những nhiệm vụ của giai đoạn hội nhập kinh tế Quốc tế mới, quán triệt quan điểm về tuyên truyền trong giai đoạn mới, với nhiều nội dung mới.
Cụ thể, sẽ có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, trong đó Bộ Công Thương đóng vai trò là đầu mối của cả nước; có kế hoạch tổng thể hàng năm, được xây dựng trên cơ sở đề xuất của các Bộ, ngành liên quan, địa phương và doanh nghiệp, đồng thời sẽ phân kế hoạch theo từng quý, từng tháng để triển khai. Đặc biệt, sẽ có trọng tâm, trọng điểm rõ ràng trong công tác tuyên truyền như chuyển trọng tâm từ hội nhập ngoài nước sang hội nhập trong nước, từ phổ biến đến hướng dẫn, từ giới thiệu đến thực thi cam kết, phù hợp với đặc thù của các địa phương, nhóm địa phương, từng vùng miền và từng nhóm đối tượng thông tin tuyên truyền; trong đó ưu tiên các đối tượng là cán bộ quản lý nhà nước tại địa phương, theo các khu vực, cụm, nhóm địa phương có cùng đặc thù, các doanh nghiệp, theo các hiệp hội, nhóm ngành hàng, cụm khu CN, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm, mới nổi…
Đề án cũng bổ sung các phương thức thông tin tuyên truyền mới như làm phim tài liệu, các chương trình phát thanh, truyền hình, đăng tải thông tin trên các trang web, tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, lớp tập huấn, xây dựng các chương trình đào tạo trực tuyến, phát hành các chuyên đề, cẩm nang hướng dẫn, kết quả nghiên cứu cụ thể, thiết thực… về hội nhập kinh tế Quốc tế. Đồng thời, hàng năm sẽ có giám sát, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện.
Vinatex chú trọng công tác tuyên truyền hội nhập kinh tế quốc tế
Tại buổi tọa đàm, đại diện các đơn vị đã tham gia góp ý nội dung đề án. Cơ bản đều nhất trí với mục tiêu, phương pháp triển khai của đề án. Ông Hoàng Vệ Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam chia sẻ hội nhập kinh tế quốc tế mang lại nhiều lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp tuy nhiênkhi triển khai đãgặp không ít những khó khăn. Vì vậy ông mong muốn Đề án lần này sẽ làm rõ hơn một số nói dung như:
Ông Hoàng Vệ Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn DMVN chia sẻ tại buổi tọa đàm
Khi tuyên truyền về các Hiệp định thương mại tự do cần chỉ rõ lợi ích của doanh nghiệp trong từng lĩnh vực cụ thể để từ đó thu hút được sự quan tâm và hợp tác từ phía doanh nghiệp.
Phối hợp chặt chẽ với các đoàn đàm phán và chính phủ các nước đối tác để cung cấp một bộ hồ sơ thông tin hoàn chỉnh, đầy đủ, chính xác và kịp thời về nội dung Hiệp định và triển khai thực hiện cam kết trong Hiệp định cho các doanh nghiệp.
Phổ biến thông tin, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhằm tận dụng tối đa các lợi thế do Hiệp định mang lại, bao gồm nâng cao năng lực quản trị chuỗi, năng lực lưu trữ hồ sơ, đào tạo nhân lực chất lượng cao, hướng dẫn tuân thủ các quy định về an toàn lao động, an toàn môi trường, trách nhiệm xã hội.
Cần có chương trình tuyên truyền cụ thể đến với các đối tượng liên quan đến doanh nghiệp như cơ quan lập pháp, tổ chức ngân hàng - tài chính và chính quyền địa phương… nhằm giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn trong chính sách, nguồn vốn và tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi tại nơi đóng trú.
Tăng cường liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường để kịp thời bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực cho ngành.
Thông qua các phương tiện truyền thông mang đến cho công chúng cái nhìn đúng và đẹp về các ngành nghề để doanh nghiệp và các trường đào tạo thu hút thêm người giỏi.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm túc công tác tuyên truyền về hội nhập kinh tế đồng thời tin tưởng rằng với sự quan tâm của Chính phủ và Bộ Công thương mà cụ thể là việc xây dựng Đề án Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ hiểu và nắm bắt thành công những lợi thế mà các Hiệp định mang lại, góp phần phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an sinh xã hội.