CÔNG TY CP MAY BÌNH THUẬN NHÀ BÈ

Binh Thuan - Nha Be Garment Joint Stock Company
Video
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline(0252) 3.871.922
Hỗ trợ trực tuyến 1
Hỗ trợ trực tuyến 2
Đảm bảo an toàn lao động ra sao khi nới trần làm thêm giờ?

17-04-2022

Chú thích ảnh

Nhiều đơn vị dệt may tăng ca đáp ứng đơn hàng. Ảnh: TTXVN

Thông tin về việc tuyên truyền Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động năm 2022 trong tháng 5, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề xuất nâng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 60 giờ và mở rộng giới hạn làm thêm tối đa đến 300 giờ/năm cho tất cả các ngành nghề.

Chính sách này nhằm tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp. Trong hơn 2 năm qua, dịch COVID-19 bùng phát, có thời điểm, nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh có 95- 97% doanh nghiệp phải nghỉ. Nhiều giải pháp như 3 tại chỗ, hai điểm đếm một cung đường, nhưng gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp.

Bối cảnh đó, nhiều đơn hàng, đặc biệt là những đơn hàng xuất khẩu có khả năng đứt gãy, mất chuỗi cung ứng, thậm chí đối tác chuyển đơn hàng ra nước ngoài.

"Giờ làm thêm đã được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019 rất rõ ràng, đầy đủ. Tại sao phải nới giờ thêm? Bởi chúng tôi đi khảo sát, thời gian qua có doanh nghiệp 60- 70% lao động bị F0. Điều này gây ra thiếu hụt lao động cục bộ, nguy cơ đứt gãy đơn hàng", ông Hà Tất Thắng cho biết.

Từ đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song chỉ trong thời gian ngắn. Dự kiến nới trần làm thêm chỉ áp dụng đến 30/12/2022, đi kèm với đó nhiều biện pháp bảo vệ, chăm lo sức khoẻ của người lao động.

Nhiều ý kiến cho rằng, người lao động mắc COVID-19 sẽ có nhiều biểu hiện ảnh hưởng đến sức khoẻ. Theo Bộ Y tế, hậu COVID-19, sức khoẻ người lao động giảm sút, xuất hiện tình trạng mất ngủ, mất tập trung…

Để đảm bảo an toàn lao động, cơ quan liên quan đã ban hành một loạt giải pháp đi kèm như đảm bảo chế độ tiền lương giờ làm thêm cho người lao động; Tổ chức sản xuất, giám sát thanh tra kiểm tra, khám sức khoẻ sau hậu COVID-19 cho người lao động…

"Đây là trần giờ làm thêm, không bắt buộc và phải có sự chấp thuận của người lao động thì chủ sử dụng lao động mới được sử dụng", ông Hà Tất Thắng cho biết.

Khi doanh nghiệp ổn định trở lại thì quay lại quy định theo Bộ luật Lao động. Bởi mục tiêu lâu dài phải ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất, tăng lương giảm giờ làm. Việc nới trần giờ làm thêm chỉ là giải pháp đáp ứng phục hồi cho doanh nghiệp, đảm bảo thu nhập cho người lao động.

Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Kiên, Uỷ viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, năm nay trong bối cảnh phục hồi kinh tế, câu chuyện đảm bảo việc làm cho người lao động rất cấp bách.

"Nới trần làm thêm giờ chỉ là giải pháp tình thế. Khi được hỏi tham gia góp ý về đề xuất làm thêm giờ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, chúng tôi nhất quán quan điểm coi đây là giải pháp tình thế để phục hồi kinh tế. Hết năm nay, sẽ quay trở lại theo quy định của Bộ luật Lao động kèm với đó là giải pháp đảm bảo quyền lợi, chế độ của người lao động trong làm thêm giờ", ông Nguyễn Mạnh Kiên nhấn mạnh.

XL/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/phan-hoi-phan-bien/dam-bao-an-toan-lao-dong-ra-sao-khi-noi-tran-lam-them-gio-20220416161406113.htm
baotintuc