CÔNG TY CP MAY BÌNH THUẬN NHÀ BÈ

Binh Thuan - Nha Be Garment Joint Stock Company
Video
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline(0252) 3.871.922
Hỗ trợ trực tuyến 1
Hỗ trợ trực tuyến 2
Nhà máy “theo” lao động về quê

12-04-2022

Trong mùa dịch, Công ty Biti’s mở thêm nhà máy ở Trà Vinh để thu hút lao động, tránh bị động chuỗi sản xuất.

Để giải bài toán tuyển dụng lao động, đồng thời giảm bớt chi phí, vừa tạo việc làm cho người dân tại địa phương..., nhiều doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư mở nhà máy, lập thêm xưởng sản xuất ở các tỉnh, thành phố.

Mặc dù bỏ phố về quê ngay trong mùa dịch năm 2021, chị Cao Thị Như (36 tuổi, quê An Giang) vẫn tiếp tục gắn bó với công ty cũ ngay tại quê nhà. “Làm công nhân ở thành phố Hồ Chí Minh, thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng, tôi cùng ba đồng nghiệp rủ nhau thuê chung một phòng trọ nhỏ nhưng tiền nhà cộng với điện, nước mỗi tháng cũng mất gần một triệu đồng. Tiết kiệm, kham khổ hết mức thì mỗi ngày cũng phải mất khoảng 40.000-50.000 đồng ăn uống, chưa kể các khoản phí sinh hoạt khác; tàu xe về quê dịp lễ, Tết... thành ra mỗi tháng không dư dả được bao nhiêu. Về quê, tiền nhà không mất, sinh hoạt chỉ bằng một phần ba ở thành phố”, chị Như nhẩm tính.

Xu hướng chuyển dịch nhà máy theo công nhân về quê của nhiều doanh nghiệp thành phố được dự báo sẽ càng phổ biến sau đợt khủng hoảng thiếu lao động tại thành phố Hồ Chí Minh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Là doanh nghiệp thâm niên hơn 40 năm trên thương trường, chuyên xuất khẩu sản phẩm vào Mỹ và Tây Âu, có thương hiệu cũng như chế độ đãi ngộ tốt... Biti’s vẫn không tránh khỏi những khó khăn chung trong việc tuyển dụng lao động, nhất là trong giai đoạn hậu dịch bệnh. Do đó, đưa nhà máy theo chân công nhân về tỉnh được xem là giải pháp tuyển dụng hữu hiệu với Biti’s hiện nay.

“Trong năm 2021, đúng ngay thời điểm dịch bùng phát lần thứ 4 tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã mở thêm nhà máy tại Trà Vinh để tiếp nhận những công nhân tại đây”-Tổng giám đốc Công ty Biti’s Vưu Lệ Quyên chia sẻ. Theo đó, nhà máy tại Trà Vinh được xây dựng với diện tích giai đoạn 1 là 100.000 m2, với tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng, gồm ba dây chuyền sản xuất với công suất 5 triệu đôi giày và 3 triệu túi xách thời trang mỗi năm dành cho xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Lãnh đạo Biti’s thông tin, tại nhà máy ở Trà Vinh, việc tuyển dụng công nhân làm việc rất thuận lợi và hiệu quả, với khoảng 1.500 công nhân. Tại nhà máy Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), việc tuyển dụng cũng rất khả quan. Tuy nhiên, nhà máy ở thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển lao động vì nhiều công nhân về quê và chưa có ý định quay trở lại.

Để đối phó tình trạng khan hiếm lao động, nhiều năm qua, một số doanh nghiệp sản xuất đã đưa nhà máy về các tỉnh hoặc phân bổ lại các khâu sản xuất. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhà máy của Tổng công ty May Nhà Bè ở thành phố Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng nặng nề do áp dụng mô hình sản xuất “ba tại chỗ”, thiếu hụt lao động, các đối tác thêu, dệt, giặt, nhuộm ngưng hoạt động... thì các nhà máy của đơn vị này được mở ở 10 tỉnh thuộc khu vực miền tây, miền trung và Tây Nguyên lại hoạt động hiệu quả, việc tuyển dụng lao động cho nhà máy ở các tỉnh dễ dàng hơn rất nhiều.

Tương tự, Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú (thành phố Thủ Đức) với hơn 16.000 lao động nhưng các nhà máy được bố trí trải dài từ Long An đến Tuyên Quang. Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi), chuyên sản xuất giày da còn có nhà máy ở An Giang, bộ phận nhân sự ở tỉnh sẽ tuyển lao động giúp và luân chuyển lên thành phố làm việc... Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may-Đầu tư-Thương mại Thành Công Trần Như Tùng cho biết: Ngoài nhà máy đặt tại quận Tân Phú với 4.500 công nhân, đơn vị này còn mở thêm hai nhà máy ở tỉnh Vĩnh Long và Tây Ninh với khoảng 3.000 lao động.

“Chi phí trả cho người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh ngày càng tăng cao, trong khi việc tuyển dụng cũng khó hơn nên buộc công ty phải mở thêm nhà máy ở các tỉnh. Các nhà máy ở tỉnh dễ thu hút nguồn lao động hơn và chi phí trả lương cho công nhân cũng thấp hơn khoảng 30% so với nhà máy ở thành phố Hồ Chí Minh”, ông Tùng nói.

Theo các doanh nghiệp, họ phải trả mức lương khoảng 8-10 triệu đồng/tháng mới giữ chân được người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh, trong khi mức lương được chấp nhận ở các tỉnh chỉ 6-7 triệu đồng/người/tháng do chi phí nhà ở, ăn uống chỉ bằng một phần hai so với ở thành phố. Tuy nhiên, vẫn có doanh nghiệp chọn giải pháp không xây dựng nhà máy, thay vào đó sẽ bố trí xe đưa đón công nhân từ các tỉnh lên thành phố làm việc.

Giám đốc truyền thông Công ty TNHH sản xuất-thương mại-dịch vụ Quy Phúc, Văn Thị Thủy Tiên cho biết: “Điều mà doanh nghiệp đắn đo khi chuyển nhà máy về tỉnh là tốn nhiều chi phí, thời gian từ một đến ba năm để xây dựng nhưng không rõ lúc xây xong nhà máy, nguồn lao động ở địa phương đó có dồi dào hay không. Do đó, doanh nghiệp vẫn chọn cách nhanh nhất là tuyển người lao động ở các tỉnh về nhà máy ở thành phố Hồ Chí Minh làm việc với các chính sách hỗ trợ tốt hơn trước. Với cách này, sau đợt dịch, 90% số công nhân của Quy Phúc đã quay trở lại nhà máy”.

Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan thành phố Hồ Chí Minh, Phạm Xuân Hồng cho rằng, doanh nghiệp mở nhà máy ở tỉnh giúp giải bài toán thiếu hụt nhân lực ở các thành phố lớn, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, cũng giảm được chi phí tiền lương, bảo hiểm xã hội do lương tối thiểu vùng thấp hơn; lao động ở địa phương có việc lại không phải rời quê. Tuy nhiên, các nhà máy ở tỉnh lại đối mặt không ít khó khăn. Đó là tuyển lao động phải chuyên nghiệp chứ không thể tay ngang; giao thông tại một số địa phương chưa thuận lợi, xa cảng, sân bay... nên chi phí vận chuyển lớn; khách hàng đánh giá chất lượng như thế nào...

Bài và ảnh : PHƯƠNG VY

https://nhandan.vn/tin-chung1/nha-may-theo-lao-dong-ve-que-692779/

nhandan